“Vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền con người trong quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên”
Tư tưởng, đạo đức, phong cách của chủ tịch Hồ Chí Minh là di sản quý báu của dân tộc Việt Nam, là nền tảng, kim chỉ nam của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta xuyên suốt quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước. Trong hệ thống tư tưởng của Người, tư tưởng về quyền con người được kết tinh từ những giá trị nhân văn truyền thống của dân tộc kết hợp với tinh hoa của thế giới, có giá trị nổi bật về lý luận và thực tiễn trong mọi hoạt động của Nhà nước ta. Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang nỗ lực xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân, vì dân với phương thức tập trung là xây dựng chế độ dân chủ, tôn trọng, đề cao quyền con người thông qua Hiến pháp và Pháp luật. Vì vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người tiếp tục được vận dụng một cách sáng tạo, hiệu quả để xây dựng đất nước hoàn thành mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán của các cấp, các Ngành về thực hiện và đảm bảo quyền con người. Trong những năm qua, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao; không ngừng nâng cao kỹ năng công tác xã hội, chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội, hướng tới mục tiêu đảm bảo tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, góp phần đảm bảo quyền con người cho các đối tượng yếu thế, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (HCĐBKK). Những năm qua công tác quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng đối tượng xã hội nói chung và trẻ em tại Trung tâm nói riêng luôn nhận được sự quan tâm của các Cấp, các Ngành và cả cộng đồng xã hội, đảm bảo thực hiện tốt quyền con người của nhóm đối tượng trẻ em; cụ thể: * Đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe:
- Trẻ em mới tiếp nhận vào nuôi dưỡng được đánh giá về tâm sinh lý, tình trạng sức khỏe theo tiêu chuẩn (chiều cao, cân nặng, mức độ khuyết tật) và được khám sàng lọc ban đầu các bệnh như: HIV/AIDS, viêm gan... tại các cơ sở y tế, đồng thời đưa ra phương pháp điều trị nếu mắc bệnh đối với từng nhóm trẻ. Trẻ nhỏ được tiêm phòng vacxin theo quy định... bảo đảm điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho trẻ.
- Mua thuốc phòng, chữa bệnh cho trẻ em đúng chế độ, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe tại cơ sở; cấp phát thuốc điều trị kịp thời, cập nhật sổ sách và ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, điều trị theo đúng nguyên tắc và y lệnh của chuyên môn y tế; đối tượng bệnh nặng được cấp cứu kịp thời và chuyển tuyến trên điều trị.
- Đối với trẻ HIV/AIDS được khám sức khỏe định kỳ 01 lần/tháng; quản lý, theo dõi bệnh, duy trì uống thuốc hàng ngày và thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm đúng quy định.
- Duy trì cho trẻ tẩy giun đúng định kỳ; bổ sung thuốc bổ (Kẽm, can xi, vitamin tổng hợp, vitamin D....) hỗ trợ nhóm trẻ khuyết tật, trẻ bị nhiễm HIV/AIDS 02 lần/năm nhằm nâng cao sức đề kháng cho trẻ.
- Thường xuyên nâng cao thể trạng sức khỏe cho trẻ, đảm bảo hấp thu dinh dưỡng hợp lý, tăng cường sự vận động thể lực thường xuyên thông qua hoạt động thể dục - thể thao như: tập thể dục, chơi cầu lông, đá bóng... Tổ chức các hoạt động, sân chơi ngoài trời để trẻ vui chơi và rèn luyện thị lực bằng ánh sáng tự nhiên.
- Tăng cường công tác y tế dự phòng và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo tốt yêu cầu nhiệm vụ. * Đảm bảo quyền được chăm sóc dinh dưỡng:
Duy trì nấu ăn bảo đảm 03 bữa/ngày và nấu ăn các ngày Lễ, Tết đảm bảo đúng chế độ, đủ số lượng - chất lượng theo quy định; có chế độ dinh dưỡng, định lượng thức ăn phù hợp với từng nhóm trẻ; thực đơn đa dạng, phong phú, thường xuyên cải thiện bữa ăn hàng ngày; thực phẩm đảm bảo tươi ngon và an toàn vệ sinh, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong ăn uống. * Đảm bảo hoạt động giáo dục và dạy nghề:
- Trẻ được sống, được đảm bảo các điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng trong môi trường an toàn, lành mạnh; được tạo điều kiện tốt nhất để học tập và hưởng nhiều chính sách trợ giúp ở Trường học: miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp khác theo quy định; được nhận học bổng dành cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng hiếu học...
- Thường xuyên quản lý, đôn đốc trẻ em học tập tại các Trường phổ thông đúng thời gian biểu, đảm bảo thời gian và lịch học theo quy định. Tăng cường quản lý, giám sát trẻ trong thời gian nghỉ học nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đối với trẻ tốt nghiệp cấp THCS được tư vấn học nghề, học bổ túc văn hóa phổ thông trung học theo nguyện vọng và sau khi tốt nghiệp được giới thiệu, hỗ trợ tìm việc làm để ổn định cuộc sống sau khi trưởng thành trở về địa phương. Đối với trẻ tốt nghiệp Đại học được tư vấn để các em có thể lựa chọn các ngành nghề học tập phù hợp với bản thân trong tương lai. Đông thời, thường xuyên giữ mối liên hệ giữa Nhà trường để phối hợp quản lý, giáo dục trẻ, kịp thời chấn chỉnh khi các cháu vi phạm khuyết điểm (nếu có).
- Trẻ được cấp thẻ Bảo hiểm y tế theo quy định, được ưu tiên chăm sóc sức khỏe tại cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là trẻ em sơ sinh dưới 18 tháng tuổi.
- Trẻ được vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động bổ ích phù hợp với lứa tuổi như: hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, du lịch... nhân dịp Quốc tế thiếu nhi 01/6, Rằm Trung thu và tổ chức cho trẻ em đi thăm quan, nghỉ mát trong dịp hè..., nhằm quan tâm, khích lệ, động viên tinh thần cho các em vươn lên trong học tập và hòa nhập cộng đồng.
- Thường xuyên tổ chức cho trẻ em lao động, vệ sinh tập thể, vệ sinh nội vụ hàng ngày; tham gia phụ bếp nấu ăn để giúp các em nâng cao kỹ năng nữ công gia chánh và kỹ năng sống. Hàng năm trong dịp nghỉ hè, Trung tâm đã phối hợp với các đoàn tình nguyện tổ chức hoạt động (dạy văn hóa, học múa, hát…) nhằm tạo sân chơi vui tươi, bổ ích và an toàn cho trẻ.
- Duy trì tổ chức các hoạt động sinh hoạt nhóm, quan tâm, tạo điều kiện cho trẻ được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về học tập, tình cảm, tâm sinh lý... đồng thời chia sẻ thông tin, cung cấp kiến thức về sự phát triển lứa tuổi, giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng ngừa tai nạn thương tích - xâm hại tình dục... Qua đó, các em được thực hiện quyền tham gia của mình, phát huy năng khiếu, sở trường của bản thân và có thể cởi mở, tự tin, hoà nhập, sống có trách nhiệm với những người xung quanh. *Đảm bảo được trang cấp, đồ dùng sinh hoạt cá nhân:
- Trẻ được trang cấp quần áo, sách vở, chăn màn và các đồ dùng cá nhân khác… đảm bảo đầy đủ, đúng chế độ, phù hợp với thực tế sử dụng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt và học tập của trẻ theo quy định.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn cung cấp và kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em như: Tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác về các trường hợp trẻ em cần được bảo vệ; xử lý thông tin và cung cấp kịp thời cho các tổ chức, cá nhân có chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ, can thiệp, giải quyết. * Kết luận:
Có thể nói các hoạt động quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em tại Trung tâm đã và đang được triển khai có hiệu quả, đảm bảo thực hiện đúng quyền con người của các đối tượng yếu thế nói chung và trẻ em nói riêng.
Với lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội; mỗi cán bộ, viên chức và người lao động tại Trung tâm luôn nỗ lực, phấn đấu hết mình, coi các em như con đẻ của mình để chăm sóc, nuôi dạy trẻ có kiến thức, có kỹ năng tự bảo vệ bản thân và trở thành những con ngoan, trò giỏi, lễ phép, vâng lời ông bà, cha mẹ, biết đoàn kết thương yêu bạn bè, giúp đỡ các bạn có cùng hoàn cảnh vươn lên trong cuộc sống, biết “đồng cảm, sẻ chia, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm” trở thành công dân có ích cho xã hội.
Chúng tôi tin rằng, thông qua hoạt động nhằm đảm bảo thực hiện quyền con người trong công tác quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em có HCĐBKK tại Trung tâm đã giúp các em vơi đi những thiệt thòi, mặc cảm của số phận để sẵn sàng đón nhận một tương lai tươi sáng ở phía trước./.